Sáng nay, ngày 29 tháng 3 năm 2022, tại Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội (FTC) với chương trình tọa đàm “Phục hồi Du lịch sau đại dịch Covid 19 – Cơ hội và thách thức với đào tạo nhân lực ngành du lịch” đã diễn ra thành công tốt đẹp với những “chìa khóa” quan trọng được hé lộ cho sự phát triển ngành “công nghiệp không khói” và các đơn vị đào tạo chuyên ngành này tại Việt Nam.
Chương trình có sự tham gia của TS. Hà Văn Siêu – Phó tổng cục trưởng – Tổng cục Du lịch Việt Nam và các chuyên gia là cán bộ đào tạo tại những trường ĐH, CĐ daod tạo về ngành Du lịch tại Hà Nội.
Thông tin buổi tọa đàm Phục hồi Du lịch sau đại dịch Covid 19 – Cơ hội và thách thức với đào tạo nhân lực ngành du lịch
Về phía Tổng cục Du lịch Việt Nam có
- TS. Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Về phía lãnh đạo, giảng viên tại các trường đại học tại Hà Nội
- PGS.TS. Lê Ba Phong, Trưởng phòng đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác sinh viên trường Ngoại ngữ – Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
- TS. Lê Thị Thu Hương – Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội
- TS. Đỗ Hải Yến – Giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội
Về phía Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội
- PGS. TS. Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng Nhà trường
- ThS. Nguyễn Duy Hân – Phó Hiệu trưởng
- ThS. Lê Thanh Tiến – Trưởng Khoa Du lịch
Cùng thầy/cô trưởng phó các phòng, khoa và giảng viên khoa Du lịch của Nhà trường
Cơ hội vàng cho ngành Du lịch và các đơn vị đào tạo ngành Du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19
Qua chia sẻ của TS.Hà Văn Siêu cùng các vị khách mời tại buổi tọa đàm, đã đưa ra những cơ hội vàng cho ngành Du lịch và các đơn vị đào tạo ngành Du lịch trong giai đoạn sau dịch Covid-19 hiện nay. Với những cơ hội rất lớn được vạch ra.
Thứ nhất, sau đại dịch, nhu cầu nguồn nhân lực và nhu cầu học tập ngành Du lịch rất cao với nhu cầu về trải nghiệm của hành khách có sự chuyển dịch rõ rệt với sự quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe. Điều này là cơ hội, đồng thời mang đến thử thách đối với các đơn vị đào tạo khi phải nâng cao cả về số lượng, chất lượng lớp đào tạo, cũng như phải cập nhật nội dung đào tạo sao cho thức thời, phù hợp nhất.
Thứ hai, chúng ta đang thừa hưởng một chính sách của Nhà nước: “Giáo dục là quốc sách” – một sự quan tâm luôn ở mức cao nhất của nhà nước dành cho đào tạo. Với giáo dục nói chung và ngành học Du lịch nói riêng, có 3 khâu đột phá: thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực .
Thứ ba, với giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, các đơn vị giáo dục đào tạo chuyên ngành Du lịch tiếp nhận và có nhiệm vụ hoàn thành sứ mệnh với định hướng phát triển giai đoạn 2021 – 2023 của toàn ngành Du lịch, đó là “cần đào tạo nhân lực lấp đầy”. Điều này càng cho thấy rõ trách nhiệm cao cả của việc đào tạo với các yêu cầu: cung cấp đủ nhân lực nhanh chóng, chất lượng, đảm bảo vận hành du lịch không gián đoạn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Ý nghĩa của buổi tọa đàm cơ hội và thách thức phát triển ngành Du lịch hậu Covid-19
Những kết quả trên của Tọa đàm sẽ được sử dụng như một kênh thông tin để hoạch định và lựa chọn phương án đào tạo nhân lực ngành du lịch cho các đơn vị giáo dục nói chung, và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội nói riêng.
Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm “Phục hồi Du lịch sau đại dịch Covid 19”
Từ thực tế công tác quản lý đào tạo, Thạc sỹ Lê Thanh Tiến, Trưởng khoa Du lịch – Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội chia sẻ, hiện nay du lịch đã có những sự chuyển hướng đáng kể. Du khách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tìm hiểu thông tin về chuyến đi, đặt tour, tuyến, các dịch vụ lưu trú, vận tải…
Đáp ứng yêu cầu này, nhà trường tiếp tục chú trọng khâu thực hành chiếm 70% trong tổng thời gian đào tạo dành cho các kỹ năng thực hành, 30% thời gian trang bị kiến thức nền tảng, lý thuyết cho sinh viên. Trường còn tăng cường trang bị cho sinh viên ngành du lịch – lữ hành, hướng dẫn viên, ngành nhà hàng – khách sạn các kỹ năng về sử dụng các phần mềm ứng dụng trong quản lý khách sạn, nhà hàng.
Sinh viên ngành hướng dẫn viên được tăng cường trang bị các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế tour, tìm kiếm các dữ liệu, thực hiện số hóa tài nguyên du lịch, quay, dựng các clip liên quan đến các hoạt động trải nghiệm thú vị của du khách trong chuyến đi, kỹ năng tổ chức sự kiện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực du lịch đạt chất lượng ngày càng cao./.