Designer là cái tên được nhắc đến khá phổ biến trong những năm gần đây, cho thấy rõ vai trò của những người làm công việc thiết kế. Vậy, để làm Designer học ngành gì, cử nhân ra trường có thể làm những hạng mục việc gì? – Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Làm Designer học ngành gì?
Designer là thuật ngữ tiếng Anh của từ Người Thiết kế. Đây là một thuật ngữ tổng quát để chỉ những người làm nghề thiết kế cấu trúc, hình dáng, với sự linh hoạt giữa màu sắc, đường nét để cho ra đời những tác phẩm tĩnh và động, sử dụng trong truyền thông online, cũng như ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực nội thất, xây dựng, thời trang, sản xuất bao bì sản phẩm,…
Tuy ứng dụng khá rộng nhưng Designer được nhắc đến nhiều nhất với vai trò thiết kế đồ họa.
Để trở thành Designer chuyên Thiết kế đồ họa, các bạn cần đến với ngành học cùng tên. Có khá nhiều khóa đào tạo Thiết kế đồ họa từ ngắn đến dài hạn. Tuy nhiên, để có được kiến một cách hệ thống, bài bản nhất, các bạn nên học hệ chính quy tại trường đại học hay cao đẳng.
Ngành Thiết kế đồ họa mang đến cho sinh viên hệ thống kiến thức bài bản từ lý thuyết đến thực hành với những nội dung cơ bản:
- Khối kiến thức cơ sở ngành: Lịch sử Mỹ thuật thế giới, Nguyên lý thị giác, Mỹ học đại cương, Trang trí cơ bản, Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Nghệ thuật chữ, Kỹ thuật In, Giải phẫu, Lịch sử đồ họa
- Khối kiến thức chuyên ngành: Trang trí chuyên ngành đồ họa, Tin học chuyên ngành đồ họa, Thiết kế hệ thống nhận dạng thương hiệu, Nghệ thuật đồ hoạ chữ, Nguyên lý thiết kế đồ họa, Bao bì sản phẩm, Tạo dáng đồ chứa đựng, Biểu tượng đồ họa, Thiết kế giao diện web, thiết kế tranh truyện, tranh khắc, Ngoại ngữ chuyên ngành, Luật bản quyền
- Khối kiến thức tự chọn bổ trợ (được triển khai ở một số trường): Tổ chức sự kiện, Ý tưởng và kịch bản quảng cáo truyền thông, Ấn phẩm báo chí, Poster quảng cáo, Trang trí trang phục.
Một số trường trọng điểm đào tạo chuyên ngành Thiết kế đồ họa có thể điểm tên như:
- Khu vực Miền Bắc: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học FPT Hà Nội, Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội,…
- Khu vực Miền Nam: Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Đại học FPT Tp.HCM,…
Designer “lợi hại” như thế nào?
Designer được nhắc đến với những cụm từ hoa mỹ như “lợi hại”, “ma thuật”, “bàn tay thần thánh” khi chỉ với một vài đường “múa bút” họ đã vẽ nên những tác phẩm tuyệt đẹp. Các thể loại tác phẩm chủ đạo mà người Thiết kế đồ họa có thể sáng tạo đó là:
- Thiết kế hình ảnh tĩnh, động về một nội dung cụ thể
- Thiết kế banner, poster sự kiện, biển bảng quảng cáo
- Thiết kế tranh minh họa, bìa sách, báo, truyện, tạp chí
- Thiết kế bao bì thuốc, thực phẩm, hàng tiêu dùng,…
- Thiết kế giao diện website, game,…
Người Designer làm việc tại đâu?
Có bằng cấp về thiết kế đồ họa và tay nghề vững chắc, các bạn cử nhân có cơ hội phát triển sự nghiệp với những hạng mục công việc sau đây:
- Chuyên viên thiết kế tại các doanh nghiệp thương mại, tòa soạn, nhà xuất bản, cơ quan báo chí
- Chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế tại các công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, studio nghệ thuật, xưởng phim hoạt hình và truyện tranh.
- Tự chủ kinh doanh với công ty thiết kế, dịch vụ studio
- Tư vấn, giảng dạy tại các trường học, trung tâm
- Làm Freelancer hoặc nhận thêm dự án làm tại nhà như thiết kế website, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu,…
Bài viết trên đây của chúng tôi chắc hẳn đã giúp bạn giải mã câu hỏi “làm Designer học ngành gì”. Các bạn yêu thích công việc thiết kế hãy học tập nghiêm túc, chất lượng, tích cực luyện tập, trau dồi kỹ năng để có khởi đầu vững chắc cho sự nghiệp nhé. Chúc các bạn thành công!