Hệ thống bán hàng thông qua các kênh online, đặc biệt là sàn Thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki,… được đánh giá là yếu tố tiêu thụ đơn hàng mạnh nhất hiện nay. Xu hướng phát triển này mang đến cơ hội gia tăng doanh thu cho khá nhiều người, và song hành là nhu cầu được học tập bài bản với chuyên ngành Thương mại điện tử bậc đại học, cao đẳng. Ngành Thương mại điện tử là gì, và đặc thù ngành học ra sao? – Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Học Thương mại điện tử – Đón đầu xu hướng phát triển thời đại mới
Bên cạnh những kênh bán hàng online như website, facebook, zalo,… thì những sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, hay sàn quốc tế Amazon ngày càng được nhiều người bán và người mua lựa chọn.
Có được sự tin tưởng này là bởi đặc trưng các sàn như chiếc chợ công khai, cho phép người bán cập nhật thông tin, hình ảnh, video về sản phẩm. Đồng thời, khách hàng dễ dàng trong việc đặt mua, đánh giá chất lượng mỗi sản phẩm cũng như được hưởng nhiều chính sách giảm giá, miễn phí giao hàng.
Ngành Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử hay E-Commerce (Electronic Commerce) được hiểu đơn giản là quá trình tiến hành một phần hay tất cả các hoạt động kinh doanh thông qua các phương tiện điện tử.
Ngành học Thương mại điện tử tên đầy đủ là Quản trị Thương mại điện tử. Đây là ngành học cung cấp cho sinh viên hệ thống kiến thức về kinh tế thương mại, nền tảng kinh doanh, các phương pháp để bán hàng và quản trị bán hàng trên các kênh thương mại điện tử.
Ngành Thương mại điện tử học gì?
Với ngành học Thương mại điện tử, các bạn sinh viên sẽ được học một số bộ môn đại cương, các môn học cơ sở ngành và lựa chọn chuyên ngành với một trong 03 định hướng: Kinh doanh trực tuyến, Marketing trực tuyến, Quản trị Thương mại điện tử.
- Định hướng Kinh doanh trực tuyến: Nguyên lý hoạt động các sàn Thương mại điện tử; Những cách thức mua – bán, kỹ năng đóng gói, đưa sản phẩm lên sàn,…
Bên cạnh kiến thức về các sàn Thương mại điện tử, với định hướng kinh doanh trực tuyến, các bạn sinh viên còn được học sơ lược về các kênh online có thể áp dụng trong hoạt động kinh doanh cũng như cách thức phối hợp giữa các kênh để đạt hiệu quả cao nhất. - Định hướng Marketing trực tuyến: Kiến thức về quy trình các bước quảng bá sản phẩm và dịch vụ trên các thiết bị số; Cách thức gia tăng doanh số; Những cách xây dựng hình ảnh thương hiệu với khách hàng.
- Định hướng Quản trị thương mại điện tử: Bao gồm kiến thức và kỹ năng về quản trị thương mại điện tử, phát triển hệ thống thông tin thương mại điện tử, chuỗi cung ứng trên Internet,…
Ngành Thương mại điện tử được đào tạo chính quy ở đâu?
Ở Việt Nam hiện nay, ngành Thương mại điện tử đã được triển khai đào tạo chính quy tại các trường đại học, cao đẳng khối ngành thương mại và dịch vụ ở cả 03 miền Bắc – Trung – Nam. Trong đó, có thể điểm tên một số trường trọng điểm:
Miền Bắc
- Đại học Thương mại
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
- Đại học Mở Hà Nội
- Đại học Kinh tế quốc dân
- Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội
Miền Trung
- Đại học Kinh tế Đà Nẵng
- Đại học Kinh tế Huế
- Đại học Vinh
- Đại học Phạm Văn Đồng
Miền Nam
- Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP. HCM)
- Đại học Kinh tế tài chính TP. HCM
- Đại học Nguyễn Tất Thành
- Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH)
- Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH)
Tuyển sinh ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam
Mã ngành Thương mại điện tử
Ngành học Thương mại điện tử được triển khai tuyển sinh hàng năm với mã ngành cố định. Các bạn thí sinh xét tuyển hãy chú ý ghi chính xác các ký tự riêng của từng bậc đào tạo như sau:
- Hệ đại học: 7340122
- Hệ cao đẳng: 6340122
Tổ hợp bộ môn và Phương thức tuyển sinh ngành Thương mại điện tử
Ngành Thương mại điện tử hiện được xét tuyển đầu vào tại các trường đại học, cao đẳng với các tổ hợp chủ đạo:
- Khối A00: Toán, Vật Lý, Hóa học
- Khối A01: Toán, Vật Lý, Tiếng Anh
- Khối D01: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh
- Khối D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho nhiều nhất các thí sinh có niềm đam mê với lĩnh vực Thương mại điện tử có cơ hội học tập chuyên nghiệp nhất, ở một số trường triển khai xét tuyển với thêm một số tổ hợp bộ môn:
- A7: Toán, Lịch Sử, Địa lý
- A9: Toán, Địa lý, Giáo dục công dân
- A10: Toán, Vật Lý, Giáo dục công dân
- D90: Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh
Hiện tại, hầu hết các trường cao đẳng, đại học đều tuyển sinh với một hoặc kết hợp đồng thời hai hình thức: Xét tuyển học bạ Trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển điểm kỳ thi Trung học phổ thông.
Chương trình học ngành Thương mại điện tử
Chương trình đào tạo ngành Quản trị Thương mại điện tử ở mỗi trường có thể có những học phần khác biệt nhất định, nhưng đều bao gồm những bộ môn chủ đạo sau đây:
- Khối kiến thức chung: Các bộ môn về Chính trị, Pháp luật, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ, Quốc phòng – An ninh.
- Khối kiến thức cơ sở ngành: An toàn và bảo mật thông tin, Hệ thống thông tin quản lý, Mạng máy tính và Truyền thông, Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, Quản trị hệ thống thông tin doanh nghiệp, Đồ họa ứng dụng,…
- Khối kiến thức chuyên ngành: Thiết kế và triển khai website Thương mại điện tử, Marketing thương mại điện tử, Phát triển hệ thống thương mại điện tử, Quản trị thương mại điện tử, thanh toán thương mại điện tử, Thực hành khai thác dữ liệu trên mạng internet, Thực hành quảng cáo điện tử, Thương mại di động.
- Hệ thống kiến thức bổ trợ: Cơ sở dữ liệu và quản lý cơ sở dữ liệu, Cơ sở lập trình, Lập trình hướng đối tượng,…
Chuẩn đầu ra ngành Thương mại điện tử
Tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại điện tử, cử nhân có đầy đủ năng lực về kiến thức nền tảng, kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm để đảm đương nhiệm vụ được giao tại các doanh nghiệp hay trong hoạt động kinh doanh riêng của mình!
Chuẩn đầu ra ngành Quản trị Thương mại điện tử cần điểm tên một số tiêu chuẩn quan trọng sau đây:
Về Kiến thức:
- Có kiến thức cơ bản của ngành Thương mại điện tử với các nội dung: Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh tế Vĩ mô – Vi mô, Quản trị học, Hệ thống thông tin quản lý và Marketing căn bản, Kiến thức căn bản về công nghệ thông tin và truyền thông: lập trình, mạng máy tính, thiết kế và triển khai website, quản trị cơ sở dữ liệu.
- Nắm vững kiến thức chuyên sâu ngành Thương mại điện tử và ứng dụng hiệu quả trong hoạt động doanh nghiệp. Đó là các kiến thức về: Công cụ thể hiện các hoạt động thương mại điện tử, bao gồm: Quản trị chiến lược và tác nghiệp, marketing, thanh toán điện tử, an toàn thông tin và quản trị rủi ro thương mại điện tử, phát triển hệ thống, khai thác dữ liệu, thương mại di động, pháp luật thương mại điện tử và chính phủ điện tử.
- Có được hệ thống kiến thức bổ trợ nhằm mở rộng kiến thức kinh doanh, quản lý, có thể dễ dàng chuyển hướng sang những công việc gần ngành như: Quản trị chiến lược, Quản trị dự án, Quản trị Logistic, Quản trị nhân lực,…
Có đủ năng lực về ngoại ngữ cần thiết để làm việc trong các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử tại Việt Nam.
Về Kỹ năng làm việc:
- Có khả năng xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh điện tử và dự án Thương mại điện tử
- Có khả năng cài đặt các chế độ, ứng dụng thông dụng và khắc phục các sự cố thông thường của máy tính
- Có đủ năng lực quản lý cơ sở sở dữ liệu, quản trị hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử và xử lý các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp, dự án.
- Sử dụng thành thạo các công cụ trên internet: Tìm kiếm, lưu trữ, chia sẻ thông tin, thư điện tử, chat, mạng xã hội, khai thác – ứng dụng điện toán đám mây và các ứng dụng trên thiết bị di động
- Có kỹ năng quản trị website Thương mại điện tử và các giao dịch trực tuyến
Về Kỹ năng mềm:
- Có khả năng làm việc phối hợp theo nhóm và làm việc độc lập
- Biết cách triển khai thực hiện, thuyết trình, giao tiếp và làm báo cáo một cách khoa học
Học Thương mại điện tử ra trường làm gì? Ở đâu?
Với nhu cầu thực tiễn từ thị trường việc làm, cử nhân chuyên ngành Thương mại điện tử có thể đảm đương nhiệm vụ tại các doanh nghiệp với những hạng mục công việc sau:
- Chuyên viên kinh doanh Thương mại điện tử tại các doanh nghiệp triển khai sản phẩm cho khách hàng B2B (khách hàng doanh nghiệp)
- Chuyên viên quản lý Quan hệ khách hàng và chuyên viên Dịch vụ khách hàng tại các doanh nghiệp có mảng dịch vụ Thương mại điện tử.
- Chuyên viên Quản lý – Phát triển tài khoản tại các doanh nghiệp triển khai dịch vụ cho khách hàng B2C (khách hàng cá nhân)
- Chuyên viên phát triển ngành hàng tại các doanh nghiệp kinh doanh quy mô lớn và các công ty phát triển thị trường.
- Trưởng nhóm thương mại điện tử, Trưởng phòng Thương mại điện tử và Quản lý phát triển dự án Thương mại điện tử tại những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh Thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, các cử nhân chuyên ngành Thương mại điện tử có thể làm việc tại các doanh nghiệp với một số hạng mục công việc gần ngành như: Chuyên viên Marketing online, Chuyên viên Google Ads, Chuyên viên Seo Marketing, Chuyên viên Quản trị hệ thống giao dịch trực tuyến, Chuyên viên phân tích và xử lý dữ liệu,…
Mức lương cho cử nhân ngành Thương mại điện tử khoảng 6 – 8 triệu đồng/tháng (với cấp bậc nhân viên), 8 – 16 triệu đồng/tháng (với cấp bậc chuyên viên), 15 – 20 triệu đồng/tháng (với cấp bậc trưởng nhóm) và 20 – 30 triệu đồng/tháng (với cấp bậc trưởng phòng).
Cơ hội du học ngành Thương mại điện tử
Cử nhân chuyên ngành Thương mại điện tử hoặc sinh viên đang theo học ngành nghề này tại các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể “rinh” những suất học bổng du học tại một số nước phát triển mà Việt Nam có liên kết.
Bởi Thương mại điện tử đang và sẽ là ngành học có xu hướng phát triển hệ thống trên toàn cầu, nên tấm Bằng đại học hoặc trên đại học từ một đất nước danh tiếng sẽ mở ra cơ hội việc làm cùng mức lương hấp dẫn cho các cử nhân tại nhiều nước trên thế giới.
Một số nước mà các bạn sinh viên nên lựa chọn để du học ngành Thương mại điện tử có thể điểm tên như: Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc.
Ngành Thương mại điện tử là gì, có những đặc thù và mang đến triển vọng việc làm ra sao? – Bài viết trên đây của chúng tôi chắc hẳn đã giúp các bạn có được cái nhìn sơ bộ. Chúc các bạn học sinh, sinh viên yêu thích chuyên ngành ngày lựa chọn được trường đào tạo phù hợp, học tập tốt và gặt hái nhiều thành công với sự nghiệp của mình!