Thương mại điện tử ngày càng trở thành ngành học “hot” bởi những thông tin được chia sẻ hàng ngày, rằng đây là ngành nghề mang đến thu nhập cao cho các cử nhân. Thực tế, ngành học này thế nào, triển vọng việc làm ra sao? – Hãy cùng tìm hiểu những sự thật về ngành Thương mại điện tử được chúng tôi tổng hợp trong bài viết dưới đây nhé!
Ngành Thương mại điện tử là gì?
Khái quát về hoạt động Thương mại điện tử
Thương mại điện tử hiểu căn bản nhất là hoạt động thương mại thông qua các phương tiện điện tử. Hoạt động thương mại điện tử được triển khai qua nhiều kênh, với phạm vi triển khai lớn và mạng lưới kết nối cũng được phủ sóng rộng hơn.
Với sự phát triển của công nghệ cùng hệ thống thông tin, thương mại hiện không chỉ là hoạt động mua bán mà bao gồm toàn bộ quá trình hỗ trợ sản xuất, vòng tròn cung ứng, nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng là sự hài lòng của khách hàng.
Các hoạt động được thực hiện qua trang Thương mại điện tử hiện nay bao gồm: Quảng cáo, chào hàng, đặt hàng, giao kiến hợp đồng, phân phối, giao nhận sản phẩm, thanh toán,… Bên cạnh đó, đối tượng của thương mại không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực hàng hoá mà còn mở rộng sang các đối tượng như dịch vụ, vốn (đầu tư), tài chính.
Những thông tin về ngành học Thương mại điện tử
Đáp ứng sự phát triển mở rộng ngày càng cao của hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử, ngành học mang tên Quản trị Thương mại điện tử được thiết kế với chương trình đào tạo chính quy, nhằm mang đến cung ứng một nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường việc làm không ngừng.
Ngành học Thương mại điện tử được đào tạo bậc đại học và cao đẳng tại các trường trọng điểm nhất về nhóm ngành Thương mại – Dịch vụ như: Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế quốc dân, Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội,…
Giống như các ngành học khác về dịch vụ, Quản trị Thương mại điện tử được tuyển sinh theo phương thức chung mỗi năm như xét tuyển học bạ, xét điểm kỳ thi Trung học phổ thông với các tổ hợp môn học chính: A00 (Toán – Vật Lý – Hóa học), A01 (Toán – Vật Lý – Tiếng Anh), D01 (Ngữ Văn – Toán – Tiếng Anh), D07 (Toán – Hóa học – Tiếng Anh).
Tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử ra làm gì?
Cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại điện tử có cơ hội làm việc tại hệ thống các doanh nghiệp thương mại, với vị trí từ nhân viên tới chuyên viên, trưởng nhóm, trưởng phòng.
Một số hạng mục công việc và doanh nghiệp phù hợp nhất cho các cử nhân chuyên ngành Quản trị Thương mại điện tử đảm nhiệm có thể điểm tên như:
- Nhân viên/Chuyên viên kinh doanh Thương mại điện tử tại các doanh nghiệp triển khai sản phẩm cho khách hàng doanh nghiệp.
- Nhân viên/Chuyên viên quản lý Quan hệ khách hàng và chuyên viên Dịch vụ khách hàng tại các doanh nghiệp có mảng dịch vụ Thương mại điện tử.
- Nhân viên/Chuyên viên Quản lý – Phát triển tài khoản tại các doanh nghiệp triển khai dịch vụ cho khách hàng cá nhân.
- Nhân viên/Chuyên viên phát triển ngành hàng tại các doanh nghiệp kinh doanh quy mô lớn và các công ty phát triển thị trường.
- Trưởng nhóm thương mại điện tử, Trưởng phòng Thương mại điện tử và Quản lý phát triển dự án Thương mại điện tử tại những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh Thương mại điện tử.
Mức lương cho cử nhân ngành Thương mại điện tử
Thương mại điện tử được đánh giá là ngành nghề mang đến mức lương cao so với mặt bằng chung của các ngành dịch vụ với các con số cụ thể:
- Cấp bậc nhân viên mới ra trường: Khoảng 6 – 8 triệu đồng/tháng
- Với cấp bậc chuyên viên: 8 – 16 triệu đồng/tháng
- Với cấp bậc trưởng nhóm: 15 – 20 triệu đồng/tháng
- Với cấp bậc trưởng phòng: 20 – 30 triệu đồng/tháng
Những sự thật về ngành Thương mại điện tử được chúng tôi cập nhật trong bài viết chắc hẳn đã khiến bạn có chút choáng ngợp và hình dung rõ hơn về những triển vọng của ngành nghề này. Chúc các sĩ tử trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước, học tập tốt và có những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp của mình!