Thiết kế đồ họa – một chuyên ngành “hot” trong những năm gần đây, và được thống kê tiếp tục có số lượng thí sinh đăng ký lớn trong năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh triển vọng việc làm cao, những nét thú vị trong nghề thì Thiết kế đồ họa có những góc khuất, thách thức nhất định mà mỗi sinh viên lựa chọn theo học cần nắm rõ. Với bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn điểm mặt những khó khăn của nghề Thiết kế đồ họa.
Cần thường xuyên cập nhật kiến thức, xu hướng mới
Thiết kế đồ họa vốn được nhắc đến với đặc trưng tiêu chuẩn đi cùng sự thay đổi của văn hóa, xã hội. Bởi nhận thức, xu hướng xã hội phát triển thì tiêu chuẩn, thị hiếu về cái đẹp cũng khác nhau.
Ngoài ra, công nghệ, công cụ thiết kế đồ họa cũng có sự phát triển theo từng năm tháng. Điều này yêu cầu người làm nghề cần luôn giữ tâm thế sẵn sàng cập nhật, thay vì chỉ dừng lại ở những nội dung đã được học trong nhà trường.
Không chỉ vậy, với mỗi địa phương, vùng miền, lĩnh vực, tiêu chuẩn về cái đẹp lại có sự khác nhau. Do đó, người chuyên viên thiết kế đồ họa cần tìm hiểu, nắm rõ nhu cầu khách hàng khi tiếp nhận một công việc, dự án mới.
Tần suất làm việc cao và thời gian làm việc linh động
Với ngành Thiết kế đồ họa, chuyên viên thường phụ trách thiết kế theo từng dự án. Và theo yêu cầu tiến độ của từng dự án, tại một một số thời điểm, người làm nghề có thể cần tăng ca làm việc vào buổi tối hoặc cuối tuần.
Ngoài ra, bên cạnh công việc văn phòng, các chuyên viên Thiết kế đồ họa có thể tự nhận thêm các dự án bên ngoài, hoặc có thể lựa chọn công việc hoàn toàn tự do mang tên freelancer. Các dự án tự do này cho phép người làm nghề không bó buộc về thời gian và thu về mức thu nhập cao. Tuy nhiên, chính sự tự do này lại là áp lực cho các chuyên viên khi thường xuyên trong tình tần suất làm việc khá cao, đặc biệt là những người tay nghề cao, luôn “đắt khách”.
Cần đầu tư công cụ làm việc
Làm nghề Thiết kế đồ họa trước hết yêu cầu bạn phải trang bị một máy tính cây có cấu hình cao. Đây là yêu cầu tuyệt đối với những chuyên viên có nhu cầu làm việc thêm ngoài giờ, nhận dự án làm việc tại nhà. Ngoài ra, một máy tính xách tay cũng khá cần thiết khi bạn muốn “đổi gió” vị trí làm việc đến quán cafe hay tranh thủ sáng tạo, hoàn thành tác phẩm trong chuyến du lịch hoặc một nơi có không gian phù hợp.
Bên cạnh những công cụ chủ chốt trên, để việc hành nghề Thiết kế đồ họa được thuận lợi, dễ dàng nhất, bạn có thể đầu tư trang bị thêm một vài thiết bị như: máy ảnh, ipad, bảng màu vẽ, giấy chuyên dụng, phần mềm thiết kế trả phí,…
Cần cân bằng giữa cái tôi nghệ thuật và yêu cầu của tổ chức
Là một ngành nghề mang tính sáng tạo, thẩm mỹ, chuyên viên Thiết kế đồ họa hầu hết đều là những người có tư duy và cái tôi nghệ thuật cao. Điều này mang đến một sự khó khăn cho những ai lựa chọn làm việc giờ hành chính tại văn phòng, đó là cần cân bằng giữa cái tôi nghệ thuật và yêu cầu của tổ chức.
Cụ thể, khi làm việc tại văn phòng, bạn cần tuân thủ thời gian bắt đầu làm việc (thường từ 8h hoặc 8h30 hàng ngày) và thêm một số sự bó buộc từ nội quy doanh nghiệp và yêu cầu từ các cấp quản lý.
Tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng
Ở các agency chuyên dịch vụ thiết kế đồ họa, trong một số dự án lớn với khách hàng vip, thường đích thân chuyên viên thiết kế sẽ cần gặp khách hàng để trình bày ý tưởng trước khi chốt hợp đồng. Và trong suốt quá trình thực hiện, theo từng giai đoạn, chuyên viên có thể cần gửi trước mẫu thiết kế bản thảo cho khách hàng đóng góp.
Còn với người làm freelancer hay nhận thêm dự án ngoài thì việc gặp gỡ khách hàng gần như việc làm thường nhật.
Đặc trưng này yêu cầu các chuyên viên Thiết kế đồ họa không chỉ cần vững tay nghề mà còn phải có khả năng giao tiếp tốt cũng như ứng xử, xử lý tình huống hết sức linh hoạt.
Bài viết trên đây chắc hẳn đã giúp các bạn nắm được cơ bản những khó khăn của nghề Thiết kế đồ họa. Khó khăn là một trong những yếu tố căn bản, không bao giờ hết, yêu cầu người làm nghề cần thích ứng, khắc phục và vượt lên để đạt được những thành tựu trong nghề. Chúc các bạn đang, sẽ theo học Thiết kế đồ họa luôn giữ được ngọn lửa đam mê và thành công với con đường mình lựa chọn!