Ngành Công nghệ ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghệ đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ cho thấy vai trò ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, tạo động lực xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Gắn kết với nhiều lĩnh vực
Ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 3.000 phụ tùng, linh kiện khác nhau (đối với ô tô con, số linh kiện, phụ tùng có thể từ hơn 20.000 đến 30.000 – tính theo những linh kiện nhỏ nhất) được sản xuất từ nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là cơ khí, điện tử, cao su-nhựa, trong đó nhiều phụ tùng lại được lắp ráp từ vài chục đến vài trăm linh kiện như động cơ, hộp số.
Theo cách phân loại trình độ công nghệ của các ngành chế tạo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), ô tô được xếp vào nhóm các ngành công nghiệp có công nghệ trung bình-cao, nhưng thực chất trong số hàng ngàn phụ tùng, linh kiện, mỗi loại cần công nghệ sản xuất khác nhau, từ công nghệ trung bình thấp (như một số sản phẩm ép nhựa đơn giản), đến những công nghệ cao, phức tạp (như hộp số, động cơ).
Chính vì các đặc điểm kỹ thuật nêu trên của sản phẩm ô tô, nên trong số các ngành công nghiệp sản xuất dân dụng, ngành ô tô có liên kết đầu vào – đầu ra rộng nhất và sự phối hợp công nghệ cao nhất. Vì lý do này, ngành này có ảnh hưởng lớn đến quá trình công nghiệp hóa của nền kinh tế hiện nay.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường
Theo xu hướng phát triển, khi thu nhập của các cá nhân tăng cao, họ có xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm hiện đại đi kèm với chất lượng và bảo đảm an toàn. Đáp ứng được yêu cầu đó, ô tô sẽ là phương tiện được ưa chuộng và dần thay thế xe máy theo xu hướng phát triển đi lên của đất nước. Đồng thời, trong các ngành công nghiệp cũng như nông nghiệp, con người sử dụng ô tô như nguồn lực trực tiếp phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại phát triển.
Thị trường tiêu thụ
Thị trường tiêu thụ là một yếu tố quan trọng trong vai trò của ngành công nghệ ô tô. Nó đại diện cho số lượng xe ô tô mà người tiêu dùng muốn mua và sử dụng. Mức độ tiêu thụ của thị trường có thể được đo lường bằng cách xem số lượng xe bán ra mỗi năm hoặc số lượng xe có trong các gia đình. Nếu thị trường tiêu thụ mạnh, các công ty trong ngành công nghệ ô tô có thể mong đợi tăng trưởng và tài chính tốt hơn. Tuy nhiên, nếu thị trường tiêu thụ yếu, các công ty có thể phải đối mặt với thử thách kinh tế và phải tìm cách giải quyết những vấn đề này.
Phương tiện đi lại luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội. Mức thu nhập cao hơn khiến nhu cầu sử dụng các phương tiện hiện đại, tiện nghi ngày càng cao. Và ô tô là loại phương tiện được quan tâm hàng đầu.
Dựa trên mức độ tiêu thụ xe hơi mỗi năm, một dự báo đã chỉ ra rằng: Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2025 tại Việt Nam trung bình sẽ có 50 xe/ 1000 dân. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức khoảng 800.000 – 900.000 xe/ năm. Và đến năm 2030 sẽ là khoảng 1,5-1,8 triệu xe/ năm. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành Công nghệ ô tô là rất lớn.
Thị trường nhân lực
Thị trường nhân lực trong ngành công nghệ ô tô là rất tập trung vào các chuyên gia có kinh nghiệm về kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Các công ty ô tô cần tuyển dụng nhân viên có kiến thức về các công nghệ mới và có thể áp dụng chúng để tăng cường sức mạnh của họ trong ngành. Ngoài ra, các chuyên gia về quản lý và kinh doanh cũng là một yếu tố quan trọng trong thị trường nhân lực của ngành ô tô.
Nhu cầu tiêu thụ cao kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực. Thực tế cho thấy, công nghệ ô tô đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động mỗi năm. Nếu như trước đây, mọi khâu quan trọng trong quá trình lắp ráp, vận hành đều phải thuê chuyên gia nước ngoài thì hiện nay việc hướng tới nguồn nhân lực nội địa chất lượng cao đang được quan tâm, đầu tư.
Đó cũng là lý do ngành Công nghệ ô tô được mở ra tại nhiều trường cao đẳng, đại học. Với sự phát triển như hiện tại chắc chắn trong tương lai chúng ta sẽ chủ động hơn về nhiều mặt. Từ đó không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.
Đóng góp vào ngân sách nhà nước
Tốc độ phát triển nhanh chóng, gắn kết nhiều ngành nghề sự đóng góp của công nghệ ô tô đối với nền kinh tế là điều không thể phủ nhận. Cụ thể, thông qua các loại thuế, thu hút vốn đầu từ FDI trị giá hàng tỷ USD.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ ô tô cũng có tác động rất lớn đến việc dịch chuyển cán cân thương mại. Trang tin tức của Bộ Công thương Việt Nam đã đưa ra 3 tình huống để mô phỏng và tính toán tác động của ngành công nghiệp ô tô đến cán cân thương mại quốc gia, như sau:
(i) Không có sản xuất xe con trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.
(ii) 50% thị phần là xe sản xuất trong nước, tỉ lệ nội địa hóa trung bình xe con đạt 40%, xe khác là 50% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 9 tỷ USD và năm 2030 là 17 tỷ USD.
(iii) 80% thị phần là xe sản xuất trong nước, với tỉ lệ nội địa hóa trung bình xe con đạt 70%, xe khác là 80% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 5 tỷ USD và năm 2030 là 9 tỷ USD.