Thay vì luyện nhiều giờ liên tục trong ngày hay nghe những bài khó, cô giáo Diễm Hằng khuyên bạn nên cải thiện phát âm đúng và bắt đầu với bài đơn giản.

Nguyễn Thị Diễm Hằng, giảng viên ngành ngôn ngữ Anh của Đại học Xây dựng, đạt 8.0 trong lần thi IELTS hồi đầu năm, trong đó Listening được 8.5. Hai năm một lần, cô giáo 26 tuổi lại thi IELTS để đánh giá trình độ.

5 lỗi khiến nghe mãi không giỏi
Diễm Hằng giảng viên Tiếng Anh ĐH Xây dựng Hà Nội chỉ ra 5 lỗi khiến ‘nghe mãi không giỏi’

Theo Hằng, Listening luôn là một trong những kỹ năng khó với nhiều bạn học tiếng Anh, nhất là người mới bắt đầu. Lý do là nhiều bạn chưa tìm được phương pháp luyện nghe hiệu quả, phù hợp, nguy hiểm hơn là mắc lỗi trong thực hành. Hằng chỉ ra 5 lỗi cơ bản thường gặp khi luyện nghe và gợi ý cách khắc phục.

Nghe liên tục nhiều tiếng

Nhiều bạn nghe hàng tiếng mỗi ngày, nghe càng lâu càng tốt, tuy nhiên điều này sẽ khiến bạn trở nên mệt mỏi, căng thẳng và mất tập trung dẫn đến kết quả không được cải thiện nhiều. Muốn luyện nghe nhiều tiếng một ngày, bạn hãy chia thành nhiều khung giờ, giữ tinh thần thoải mái trước khi nghe.

Nếu muốn tai nghe và não tư duy đủ cường độ, bạn phải nghe ít nhất một tiếng mỗi ngày và liên tục 3-6 tháng. “Thời gian lý tưởng cho việc nghe là 4-6 tiếng mỗi ngày. Bạn hãy chia đều thời gian này cho cả ngày, không nghe liền một mạch”, Hằng nói.

Ngoài ra, phương pháp “tắm” ngôn ngữ (hay nghe một cách vô thức) có thể thích hợp với trẻ em. Còn với người trưởng thành, ý thức mạnh hơn rất nhiều nên thu nạp theo cách thụ động rất khó. Bạn hãy tập trung nghe có ý thức và cố gắng hiểu, động não liên tục sẽ hiệu quả hơn.

Không có từ vựng thì làm sao nghe được?

Đây là quan niệm sai lầm của nhiều người học tiếng Anh vì bạn hoàn toàn có thể học từ qua nghe. Bạn hãy coi việc học nghe như công cụ để gia tăng vốn từ cho bản thân thay vì cố gắng “nhồi nhét” thật nhiều từ mới rồi mới dám luyện nghe. Bạn cũng nên cân bằng việc trau dồi từ vựng và cải thiện kỹ năng nghe.

Với những người mới bắt đầu nghe, hãy xem phần phụ đề (subtitle) hay phần transcript (phần nội dung) trước để hiểu được nội dung của bài nghe và biết thêm từ mới. Sau đó, bạn nghe lại mà không xem phụ đề nữa.

Hằng khuyên không được vừa nghe vừa nhìn từ, như vậy sẽ không hiệu quả.

Nghe nhạc, xem phim có quá nhiều từ luyến láy

Các bài hát hoặc bộ phim có quá nhiều từ luyến láy sẽ làm bạn khó nghe và không bắt được từ. Bạn tập nghe các bản tin của VOA, BBC, hoặc luyện nghe ở các đề thi sẽ hiệu quả hơn.

Khi khả năng nghe đã ở trình độ tương đối khá, bạn cẩn thẩn lựa chọn những bài hát hay những bộ phim có tốc độ nói vừa phải, không quá nhiều luyến láy, không quá nhiều slang (từ lóng) để ôn tập.

Không chú ý phát âm

Phát âm tốt sẽ nghe tốt, vì khi phát âm sai bạn sẽ quen dần. Đến khi nghe người khác phát âm tiếng Anh đúng, chuẩn, bạn sẽ không hiểu gì. “Bạn nghĩ đó là một từ mới nhưng hóa ra rất quen thuộc với mình nhưng từ lâu nghĩ nó phải phát âm khác. Vậy nên hãy rèn phát âm thật chuẩn, chậm nhưng chắc”, giảng viên Đại học Xây dựng nói.

Nghe những bài quá khó

Bạn đang ở mức độ bắt đầu, muốn luyện nghe để tiến bộ nhanh hơn nhưng lại cố lựa chọn cho mình những bài quá khó. Điều này sẽ không giúp cải thiện nhiều, thậm chỉ còn khiến bạn tự ti, chán nản.

“Đừng vội vàng, hãy nghe những bài có độ khó phù hợp với trình độ của mình. Khi bạn đã cảm thấy thoải mái với những bài nghe đơn giản, hãy tiếp tục thử thách mình với những bài nghe khó hơn”, cô giáo tiếng Anh chia sẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *