Vốn luôn được biết đến là một ngoại ngữ thú vị và phổ biến tại Việt Nam, tiếng Nhật chắc hẳn là một lựa chọn đáng cân nhắc cho các bạn học sinh, sinh viên. Cùng lắng nghe những chia sẻ hữu ích của cô Trang Linh – giảng viên ngành tiếng Nhật Bản tại Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội về ngôn ngữ của xứ sở hoa anh đào nhé!

PV: Chào cô Trang Linh! Có nhiều người quan tâm và muốn theo học tiếng Nhật, tuy nhiên chưa biết bắt đầu từ đâu. Liệu cô có lời khuyên gì gửi tới các bạn không?

Cô Trang Linh: Học một ngoại ngữ sẽ rất đơn giản nếu như bạn có mục tiêu và lộ trình hợp lý. Lộ trình cơ bản cho người mới bắt đầu học tiếng Nhật như sau:

Giai đoạn 1: Học hai bảng chữ cái (1 tuần)

Giai đoạn 2: Học 25 bài Minna sơ cấp.

Cô Nguyễn Thị Trang Linh- Giảng viên Tiếng Nhật của FTC

PV: Vậy bảng chữ cái là những bước đi đầu tiên trên chặng đường học tiếng Nhật. Cô có thể cho biết những gì cần lưu ý khi học nội dung này không?

Cô Trang Linh: Khi học tiếng Nhật, việc ghi nhớ hai bảng chữ cái là điều đầu tiên mà người học cần nắm được. Điều quan trọng khi học bảng chữ cái là: phát âm chuẩn – viết chuẩn. Đặc biệt, phần phát âm nên được chuẩn hóa ngay từ đầu, không nên bỏ qua vì nghĩ rằng nó khó hay không quan trọng, vì để càng lâu thì càng khó sửa đổi. Bên cạnh đó, khi học bảng chữ cái, nên luyện viết thật nhiều để quen tay và rèn cho bản thân phản xạ nhanh khi nhìn thấy chữ cái.

PV: Khi học bất kỳ ngoại ngữ nào, từ vựng luôn là “miếng bánh khó nhai” do số lượng khổng lồ và tính chất phức tạp của nó. Xin hỏi cô, với tiếng Nhật thì người học nên làm gì để “tiêu hóa” được “miếng bánh” này?

Cô Trang Linh: Từ vựng là điều bắt buộc chúng ta phải biết khi học bất cứ một ngôn ngữ nào trên thế giới. Không biết từ vựng, bạn không thể nói, cũng chẳng thể hiểu người khác nói gì. Nếu bạn biết nhiều từ vựng, kể cả khi ngữ pháp kém, bạn vẫn có thể diễn đạt cho người khác hiểu ý bạn mà muốn nói. Từ vựng chính là chìa khoá nắm giữ ý nghĩa câu từ bạn nói, tư tưởng của bạn, quan điểm của bạn. Để có thể ghi nhớ từ vựng nhanh, hãy vừa viết vừa nhẩm lại từ mới đó nhiều lần. Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, mình xin đưa ra một tips khi học từ vựng đó là “học mọi lúc”. Cụ thể hơn, đối với những từ vựng khó nhớ, hãy viết ra giấy note và dán nó ở những nơi bạn dễ dàng nhìn thấy. Bằng cách đó, từ vựng sẽ vào đầu bạn tự nhiên. Hoặc bạn có thể thử học từ vựng với flashcard, mỗi card đều kèm cách viết của từ vựng cũng như cách đọc của nó. Sử dụng những công cụ hỗ trợ học tập như vậy sẽ giúp cho việc học của bạn trở nên dễ dàng và thú vị hơn đó!

PV: Tiếng Nhật là một ngôn ngữ đặc biệt vì có đến ba hệ thống chữ. Ngoài hai bảng chữ hiragana và katakana thì còn có Kanji. Cô Trang Linh có thể gợi ý những phương pháp học Kanji để phân môn này không còn là nỗi ác mộng không?

Cô Trang Linh:Học Kanji (chữ Hán) rất “lạ” và khó bởi vì các chữ Kanji thường có nhiều nét và có nhiều cách đọc khác nhau. Chúng ta có thế áp dụng một số mẹo để ghi nhớ nhanh hơn, nhưng vẫn cần đến sự chăm chỉ. Tuy nhiên, học Hán tự theo 214 bộ thủ tiếng Nhật vẫn là cách được hầu hết mọi người áp dụng. Bạn hãy thử phân tích hán tự ra thành các bộ nhỏ, từ đó tưởng tượng, nghĩ ra các câu chuyện hay, thú vị kết nối từ ý nghĩa của mỗi bộ đã có.

Chẳng hạn, ta có chữ Ý ( 意 ). Chữ 意 được ghép từ bộ Âm 音 (nghĩa là âm thanh) và bộ Tâm 心 (nghĩa là trái tim, tấm lòng). Ta có thể gán một câu chuyện cho nó là “âm thanh phát ra từ trong lòng thì chính là Ý (意)”.

Mỗi chữ Hán tự thường có cả âm On và âm Kun. Các bạn nên chú ý đến âm Hán Việt và học âm On theo quy tắc chuyển âm từ âm Hán Việt sang âm On.

SInh viên ngành tiếng Nhật Bản tại FTC tham gia ngày hội văn hoá

PV: Không ít các bạn sinh viên học tiếng Nhật chia sẻ rằng có nhiều cấu trúc ngữ pháp phức tạp mà người mới học dễ bị nhầm lẫn. Vậy không biết khi cô Trang Linh học tiếng Nhật thì cô có bí kíp nào để ngữ pháp trở nên dễ dàng và thú vi hơn không?

Cô Trang Linh:Dựa vào kinh nghiệm của bản thân, mình xin chia sẻ cho các bạn một vài tips học ngữ pháp như sau.

  1. Đặt câu với ngữ pháp đã học: với mỗi cấu trúc mới học, hãy cố gắng đưa ra vài ví dụ (có thể lồng ghép cả từ vựng khi đặt câu) và học thuộc lòng nó. Cách học này sẽ giúp bạn nhớ được cấu trúc ngữ pháp cũng như ngữ cảnh sử dụng của nó.
  2. Viết nhật ký: mỗi ngày bạn có thể viết một vài dòng đơn giản về những điều trong ngày của mình, cố gắng vận dụng những mẫu ngữ pháp và cả từ vựng bằng Hiragana, Katakana mà mình đã học.

Cả hai phương pháp trên đều khá hiệu quả để bạn học ngữ pháp và từ vựng đó nhé!

Học tiếng Nhật qua trải nghiệm văn hoá thật vui tại FTC

PV: Vậy  bước tiếp theo là làm sao để thúc đẩy 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết và khiến cho ngôn ngữ có tính ứng dụng cao hơn?

Cô Trang Linh: Với kỹ năng nghe – nói, ngoài những giờ học trên lớp, hãy cố gắng tìm thêm các nguồn tài liệu học và rèn luyện giao tiếp trên mạng Internet hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa. Cách tốt nhất để giao tiếp trôi chảy là bạn nên luyện nói với một người bản xứ để có cơ hội được tiếp xúc với ngôn ngữ một cách chính xác và phát hiện ra những lỗi sai khi phát âm của mình. Tuy nhiên, bạn cần phải luyện tập những kỹ năng căn bản trước khi tiếp xúc với người bản ngữ thay vì “mang một cái đầu rỗng” đến gặp với hi vọng mình sẽ tiến bộ nhờ họ. Chúng ta hãy tự làm chủ trong chính việc học của mình, nên tập luyện cách phát âm tiếng Nhật sao cho chuẩn nhất, luyện nói trước gương để tạo phản xạ và nói được những câu cơ bản hoàn chỉnh. Sau khi thật nhuần nhuyễn thì chúng ta mới có thể tự tin để đối đáp với người bản xứ được.

Còn với hai môn đọc – viết, đọc hiểu một đoạn văn hay đoạn hội thoại bằng tiếng Nhật, bạn cần phải nắm được những cấu trúc ngữ pháp và trau dồi vốn từ vựng tiếng Nhật càng nhiều càng tốt. Như chúng ta đã biết, ngữ pháp và từ vựng là hai phần rất khó trong ngôn ngữ Nhật, không phải ai cũng có thể học thuộc được hết lượng kiến thức khổng lồ của Hán tự, ngay cả người bản xứ cũng vậy. Vì vậy, chúng ta cần lên kế hoạch xác định phạm vi kiến thức mà mình cần nắm chắc. Bạn hãy bắt đầu bằng những từ vựng và ngữ pháp căn bản nhất, tích lũy những kiến thức học tiếng Nhật thông dụng trong cuộc sống nếu bạn muốn học giao tiếp, hoặc tập trung vào mảng học thuật nếu bạn muốn học chuyên sâu về lĩnh vực nào đó. Để học tiếng Nhật phần viết luận hiệu quả, bạn nên tìm đọc những sách truyện bằng tiếng Nhật do chính tay người bản xứ viết. Cách học này sẽ giúp bạn hiểu được cách diễn đạt và dùng từ, cũng như cách trình bày và lí luận của người Nhật. Từ đó cải thiện kỹ năng viết của bạn sao cho chuẩn như người bản ngữ.

PV: Quả là những lời khuyên đầy tâm huyết từ một giáo viên trẻ! Hi vọng các bạn sinh viên có thể vận dụng được những lời khuyên bổ ích này vào trong việc học tiếng Nhật của mình. Cảm ơn cô rất nhiều!

5/5 - (2 votes)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *